Khởi nghiệp xã hội - Chất liệu cho thành công của Journey of the Senses

Theo thống kê, tỷ lệ thất nghiệp của người khiếm thị là 90%, của người khiếm thính là 65-70% tại Việt Nam. Điều này xảy ra, theo một số chuyên gia đầu ngành, là do sự kỳ thị và có cái nhìn chưa tốt của doanh nghiệp với những người kém may mắn này, nhất là ở khả năng làm việc của họ. Đó cũng chính là lý do giải thích cho việc tại sao những người này trở thành nhân viên massage, làm tăm tre, bán vé số… bởi họ gần như không có lựa chọn nào khác.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi công nghệ phát triển, không ít những người trẻ đã nghĩ đến việc khơi dậy, phát huy các sở trường và tài năng của người khiếm thị & khiếm thính. Bằng chứng là trong năm ngoái, cuộc thi "Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia" trong khuôn khổ Techfest Việt Nam 2019, đã tìm ra được nhiều sản phẩm dành cho người khuyết tật. Trong số đó, không thể không kể đến Journey of the Senses – Á quân của cuộc thi. Đây cũng là sản phẩm duy nhất "không liên quan đến công nghệ" được giải Á quân vì ý tưởng, sự sáng tạo và tác động xã hội của mô hình đem lại.

Journey of the Senses là doanh nghiệp dịch vụ vận hành với bốn mô hình kinh doanh, hướng đến mục tiêu tạo tác động đến xã hội với nhân sự chủ yếu là người khiếm thị và khiếm thính. Đây là sản phẩm duy nhất không hoàn toàn thuộc về công nghệ, nhưng vẫn áp dụng công nghệ trong vận hành hoạt động, bao gồm: Nhà hàng Noirdùng bữa trong không gian tối (Dining in the Dark) hoàn toàn với thực đơn bí mật; Nhà hàng Blanc gọi món bằng ngôn ngữ ký hiệu Hoa với lời chúc đi kèm bó hoa được thể hiện bằng ngôn ngữ ký hiệu thông qua scan QRcode và video; Noir Spa trải nghiệm trạng thái thư giãn trong không gian tối với những điểm chạm, âm thanh và mùi hương.

Vũ Anh Tú, Co-founder của Journey of the Senses cùng người bạn người Hà Lan là Germ Doornbos đã mở nhà hàng Noir đầu tiên vào năm 2014. Dự án đã đi vào hoạt động và mang lại doanh thu đáng kể. Dù vậy, cả hai không coi Noir, Blanc là doanh nghiệp xã hội, thay vào đó là sự quan tâm đến những giá trị mang lại cho khách hàng bằng chất lượng dịch vụ, cũng như hỗ trợ người khuyết tật có cuộc sống tốt hơn.

Mới đây, chúng tôi cũng đã có cuộc trò chuyện cởi mở với những chàng trai trẻ đầy hoài bão này và nghe các anh nói về những thứ mình đã làm được, cũng như tương lai sắp tới.

Cơ duyên nào giúp anh đến với lĩnh vực đời sống người khiếm thị - khiếm thính, một lĩnh vực thực sự "kén" startup?

Đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, cơ hội cho người khuyết tật, theo tôi nhận thấy, là cực kỳ hạn chế. Tỷ lệ thất nghiệp của người khiếm thị và khiếm thính ở Việt Nam đang ở mức đáng buồn. Tôi cho rằng đây là sự kết hợp của nhận thức thấp, kỳ thị xã hội cao và sự giới hạn mọi mặt trong cuộc sống.

Trong số đó, sự kỳ thị xã hội là nguy hiểm hơn cả. Không ít sáng kiến ​​xã hội đáng ngưỡng mộ xuất phát từ người khuyết tật, nhưng họ hiếm khi được ghi nhận đúng mức. Chúng tôi sinh ra là để giải quyết điều này.

Chúng tôi tin rằng, việc đặt người khuyết tật lên hàng đầu và tạo sự tương tác giữa họ với khách hàng là cách nhanh nhất để tăng cường nhận thức của cộng đồng người khiếm thị và khiếm thính. Các doanh nghiệp như chúng tôi sẽ thiết kế xoay quanh triết lý biến nhược điểm của người khuyết tật thành lợi thế của chính mình.

Có một thực tế là, mặc dù có sự kỳ thị, công chúng vẫn bị thu hút nếu người khuyết tật hoạt động trong các dịch vụ cao cấp, được hướng dẫn chuyên nghiệp. Do đó, chúng tôi sẽ tạo ra các môi trường để ranh giới kỳ thị bị lu mờ, hoặc không còn nữa.

Khi tạo việc làm cho người khiếm thị và khiếm thính, được hỗ trợ họ kiếm tiền trên chính đôi tay của mình, chúng tôi cảm thấy tự hào. Không chỉ cho bản thân nhân viên, điều đó còn giúp giảm áp lực từ gia đình của họ, những người phải chăm sóc họ trước đây.

Đối với tất cả các nhân viên, việc tự mình làm công việc yêu thích cũng khiến họ yêu đời, rất hào hứng và háo hức. Họ học các nhiệm vụ mới và cho mọi người thấy rằng họ có khả năng hơn. Chúng tôi tin rằng, sự thiếu kinh nghiệm và giáo dục sẽ sớm được bù đắp bằng sự nhiệt tình của chính họ, bởi nó tạo ra một cảm giác tự hào, quyền sở hữu, trách nhiệm và mức độ tự trọng cao hơn.

Anh có thể kể về kỷ niệm thúc đẩy anh đến với những người không may mắn trong xã hội?

Mùa hè năm 2014, chúng tôi bắt đầu thực hiện một số cuộc phỏng vấn đầu tiên với các ứng cử viên khiếm thị và khiếm thính cho dự án Noir. Thông thường, chúng tôi sẽ là người đặt câu hỏi. Nhưng trong số ứng viên khiếm thị, một thanh niên 19 tuổi đã hỏi ngược lại chúng tôi, rằng: "Tôi biết dự án của bạn có ý nghĩa với cộng đồng người mù ở Việt Nam. Thưởng thức bữa ăn trong bóng tối là điều rất mới, nhưng tôi không chắc nó sẽ được cộng đồng ủng hộ bởi tôi chưa thể hình dung. Nếu dự án của các bạn không thành công - bạn sẽ làm gì cho những nhân viên mù được tuyển dụng?"

Tôi rất ấn tượng với câu hỏi đó và luôn tự nhắn với bản thân rằng, chúng tôi không được phép thất bại. Và cho đến bây giờ, sau hơn năm năm hoạt động, mọi người luôn tự nhủ rằng phải thành công. Noir và Dining in the Dark cũng chính là nền tảng để chúng tôi xây dựng nên một Journey of the Senses vững mạnh.

Đội ngũ nhân viên của anh làm việc thế nào. Anh đã truyền lửa cho họ thế nào?

Chúng tôi có một đội ngũ chuyên nghiệp, được đào tạo các kỹ năng xã hội. Họ cũng có tinh thần làm việc nhóm rất cao và luôn có động lực làm việc. Họ có thể không có các kiến thức về khách sạn và nhiều thứ khác, nhưng không sao, bởi họ luôn được chỉ dạy tận tình. Chúng tôi xem nhau như anh em một nhà, động viên nhau cùng tiến bộ mỗi ngày.

Thực sự thì chúng tôi chỉ là một que diêm thôi, bởi những những người khiếm thị và khiếm thính đã có một sức mạnh và động lực tiềm tàng, chỉ cần một ngọn lửa nhỏ là bùng cháy thôi. Bạn thử tưởng tượng mình đã sống 25-30 năm lẻ mà không có việc làm, trong khi mọi người xung quanh nói những câu không hay khiến bản thân tự ti. Và đột nhiên, bạn được giao một công việc với mức lương không khác gì người lành lặn, bạn sẽ phấn khích và có động lực như thế nào! Điều đó không chỉ là kiếm tiền, bởi bạn còn có thể cho mọi người thấy khả năng của mình như thế nào.

Thực tế, với những gì đã trải qua, tôi nhận thấy người khiếm thị và khiếm thính luôn có đầy đủ những phẩm chất về động lực, tài năng và khả năng!

Nhận định của anh về thị trường, dịch vụ công nghệ áp dụng cho người khuyết tật nói chung và khiếm thị - khiếm thính nói riêng hiện tại và tương lai.

Đối với người khiếm thị và khiếm thính, công nghệ đã và đang hỗ trợ họ rất nhiều, nhất là tính tự chủ, độc lập thay vì phụ thuộc như trước kia. Chẳng hạn, trước đây một người mù cần phải nhờ đến bố mẹ, anh em hoặc người thân chở đi đâu đó, hoặc phải đợi xe bus hàng chục phút. Giờ đây, chỉ cần nhấc smartphone lên gọi Grab hay các ứng dụng xe ôm công nghệ, họ có thể đi đâu tùy thích.

Đối với những người bình thường với đầy đủ năm giác quan hoạt động chính xác, công nghệ đã hỗ trợ rất nhiều cho họ. Nhưng với những người khiếm khuyết về tai hoặc mắt, công nghệ lại càng thêm phần quan trọng. Gọi video và phát trực tiếp cuộc sống đời thường là ví dụ. Trước đây, người khiếm thính thường phải sử dụng các dịch vụ nhắn tin để giao tiếp. Nhưng giờ đây với chức năng camera và video, họ có thể trò chuyện với các thành viên khác dễ dàng bằng ngôn ngữ ký hiệu.

Công nghệ đang cải thiện và ngày càng thông minh hơn sau từng ngày, thậm chí từng giờ. Tôi tin rằng, chúng sẽ tiếp tục được nghiên cứu để có các sản phẩm phục vụ đối tượng chuyên biệt hơn, trong đó có người khuyết tật.

Theo Văn Nghệ Trẻ online

Thực hiện:Thiên Phúc | Ảnh:Thiên Phúc | 2020-03-09

thefacevietnam.vn

Viết bình luận